Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội khẳng định phía Đài Loan hết sức coi trọng cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở trên lãnh thổ này. Đây cũng được coi là nguồn tài sản lớn của Đài Loan.
Theo thống kê, tại Đài Loan hiện có khoảng 170.000 lao động người Việt Nam đang làm việc; 100.000 cô dâu người Việt; cùng khoảng 50.000 du học sinh. Ngoài ra, trong mỗi gia đình hôn phối giữa cô dâu người Việt và chú rể Đài Loan, trung bình lại có 2 con, nên sẽ có khoảng 200.000 đứa trẻ được sinh ra mang dòng máu của cả hai bên. Như vậy, có khoảng 500.000 người Việt Nam và những người mang dòng máu Việt đang ở Đài Loan.
Cùng với cộng đồng người Indonesia, cộng đồng người Việt đang ngày càng giữ vai trò quan trọng tại Đài Loan.
Chính vì vậy, ông Thạch cho hay: Bắt đầu từ năm 2018, Tiếng Việt, cùng với 6 ngôn ngữ khác của khu vực Đông Nam Á sẽ chính thức trở thành một môn học ở bậc phổ thông tại các khu vực của Đài Loan. Hai ngôn ngữ được chú trọng nhất là tiếng Việt và tiếng Indonesia.
Cụ thể, chương trình dạy và học các ngôn ngữ trên được chia ra làm 2 cấp. Cấp 1 kéo dài từ khi các em 6 tuổi đến khi 12 tuổi. Lúc này, chương trình là bắt buộc, mỗi tuần 1 tiết, kéo dài 40 phút. Giai đoạn tiếp theo từ 13 đến 18 tuổi, ngôn ngữ này sẽ là môn tự chọn. Số lượng học phần và thời gian học như thế nào sẽ do các em tự quyết định.
“Trong quá trình xây dựng giáo trình dạy Tiếng Việt, chúng tôi hết sức cẩn thận và làm theo nhiều bước. Trước tiên, chúng tôi mở các hội nghị tại nhiều địa phương để lắng nghe ý kiến của các bên. Hội nghị mời đến nhiều bạn bè Việt Nam đang học tập tại Đài Loan; các học giả thuộc các lĩnh vực liên quan cũng như các cư dân di cư mới. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp, chúng tôi tổng hợp lại, ủy thác cho Đại học Giáo dục Đài Loan để nghiên cứu và xây dựng nên một khung chương trình phù hợp,” Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo ông Thạch Thụy Kỳ, ngoài yếu tố về ngôn ngữ, tiếng Việt còn bao hàm nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử và nhiều yếu tố khác. Chính vì vậy, trong quá trình biên soạn giáo trình, phía Đài Loan đã cố gắng lồng ghép những nội dung này.
“Hiện nay, Đại học Giáo dục cũng đã xây dựng giáo án và chúng tôi đã tiến hành giảng dạy thử tại khu vực Tân Đài Bắc. Trong quá trình thí nghiệm, chúng tôi cũng lựa chọn hình thức điều chỉnh cuốn chiếu,” ông Thạch nhấn mạnh.
Theo Vietnam+